ICT - Dự án MOMA là dự án Phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học phân tử và vật liệu theo định hướng nghiên cứu. Dự án này được tài trợ bởi Chương trình Erasmus+ của Liên minh Châu Âu, khởi động từ tháng 01/2019. Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp cùng Ban điều hành dự án MOMA tổ chức Hội thảo quốc tế Sơ kết các hoạt động của dự án MOMA giai đoạn 2019-2022. Hội thảo diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 13/9/2022 đến ngày 15/9/2022.
Dự án MOMA có 07 trường thành viên tham gia thực hiện, trong đó Trường Đại học Quy Nhơn đóng vai trò là đơn vị điều phối tại Việt Nam. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực đào tạo; đồng thời, gia tăng số lượng tuyển sinh hàng năm của 4 trường đại học tại Việt Nam trong lĩnh vực Khoa học phân tử và vật liệu (Molecular and Materials Sciences, viết tắt là MMS).
GS. Luc Van Meervelt (ĐH KU Leuven) điều phối phiên thảo luận và đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo
Theo đó, tại hội thảo công bố kết quả của dự án MOMA, đại diện các trường thành viên đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, báo cáo kết quả trong việc cập nhật chương trình đào tạo và tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm truyền đam mê khoa học cho học sinh, sinh viên. Thông qua dự án, Trường Đại học Quy Nhơn mở rộng kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực MMS. Các sinh viên, học viên được học tập với các giáo sư từ các trường đại học danh tiếng châu Âu. Từ đó, người học có thêm nhiều cơ hội thực tập, việc làm về lĩnh vực y tế, môi trường và năng lượng tại các doanh nghiệp và tập đoàn lớn.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ cho biết, Trường Đại học Quy Nhơn là một trong những trường đại học hàng đầu tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Do đó, việc tăng cường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế là một trong những hoạt động luôn được Nhà trường chú trọng. Để thực hiện sứ mạng của mình, Nhà trường có trách nhiệm kết nối các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Dự án MOMA là một trong những chương trình hợp tác quốc tế của Nhà trường nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên ngành khoa học tự nhiên, đồng thời khích lệ niềm đam mê khoa học cho thế hệ trẻ. Thông qua dự án MOMA, Hiệu trưởng kỳ vọng vào sự thay đổi đáng kể về chất lượng các chương trình đào tạo trong lĩnh vực MMS không chỉ ở Trường Đại học Quy Nhơn mà còn tại các trường đối tác khác ở Việt Nam. Từ đó, các trường có khả năng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực và quốc gia.
Trong khuôn khổ của hội thảo sơ kết, chiều 15/9, Trường Đại học Quy Nhơn cùng Ban điều hành dự án MOMA tổ chức Lễ trao giải cuộc thi nuôi tinh thể Việt Nam năm học 2021-2022. Cuộc thi nhằm vinh danh các cá nhân/tập thể đã có nhiều thành tích trong cuộc thi Nuôi tinh thể – Ươm mầm khoa học Việt Nam.
Em Trần Thanh Lâm (thứ hai từ phải sang) (Trường THCS Lương Thế Vinh, TP Quy Nhơn, Bình Định) và Em Nguyễn Đức Thắng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đạt giải Nhất cuộc thi
Học sinh, sinh viên đạt giải cuộc thi chụp hình lưu niệm cùng BTC
Một số kết quả đạt được từ dự án MOMA của Trường Đại học Quy Nhơn:
Trường Đại học Quy Nhơn cải tiến 03 học phần và xây dựng mới 03 học phần thuộc CTĐT trình độ thạc sĩ chuyên ngành Hóa lí thuyết và Hóa lí và ngành Vật lý chất rắn.
Các phòng thí nghiệm được lắp đặt các trang thiết bị phục vụ đào tạo, nhờ đó sinh viên/học viên được tiếp cận với các phòng thí nghiệm được trang bị tốt và an toàn. Bên cạnh đó, các sinh viên/học viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực vật lý, hóa học còn được tiếp cận và học tập với các giáo sư từ các trường đại học danh tiếng châu Âu.
Phối hợp tổ chức thành công các chương trình: Ngày hội trải nghiệm khoa học “Open-day” và cuộc thi nuôi tinh thể.
|
Minh Hiền